TƯ VẤN HỖ TRỢ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Nên dùng thuật ngữ KHÁNG CÁO hay KHÁNG ÁN?

Không biết từ bao giờ các nhà lập pháp đã dùng cụm từ “kháng cáo” để nói về hành vi nộp đơn thể hiện sự không đồng ý đối với bản án mà tòa đã xử, đồng thời đề nghị tòa cấp trên trực tiếp xét xử lại về nội dung hoặc những điều gì mà bị cáo, bị hại, đương sự cho rằng chưa đúng. Về thời điểm diễn ra việc này là sau khi tòa án đã xét xử sơ thẩm và ra bản án .
khang cao khang an
Kháng Cáo hay Kháng Án
- Tại Từ điển luật học đã định nghĩa về “kháng cáo” như sau:
“Việc những người tham gia tố tụng không đồng ý với toàn bộ hoặc một phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, trong thời hạn mà pháp luật quy định gửi đơn đề nghị Tòa án cấp trên trực tiếp xét lại toàn bộ hoặc một phần bản án chưa có hiệu lực pháp luật”. (Trích Từ điển luật học trang 416, của Nhà Xuất Bản Từ Điển Bách Khoa và Nhà Xuất Bản Tư Pháp phát hành năm 2006).

- Kháng cáo trong vụ án hình sự như sau:
“Hành vi chống án, yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật trong trường hợp đương sự không đồng ý với tòan bộ hoặc một phần bản án, quyết định sơ thẩm”. (Trích Từ điển luật học trang 417, của Nhà Xuất Bản Từ Điển Bách Khoa và Nhà Xuất Bản Tư Pháp phát hành năm 2006).
- Kháng cáo trong vụ án dân sự được xác định như sau:
“Hoạt động của đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện chống lại bản án, quyết định dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, yêu cầu Tòa án trên một cấp xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm”. (Trích Từ điển luật học trang 418, của Nhà Xuất Bản Từ Điển Bách Khoa và Nhà Xuất Bản Tư Pháp phát hành năm 2006).
- Kháng cáo trong vụ án hành chính như sau:
“Quyền của đương sự tự mình hoặc thông qua người đại diện của mình đề nghị Tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm đối với bản án, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật”. (Trích Từ điển luật học trang 418, của Nhà Xuất Bản Từ Điển Bách Khoa và Nhà Xuất Bản Tư Pháp phát hành năm 2006).

Các định nghĩa trên đều dùng cụm từ kháng cáo để chỉ hành động (của bị cáo, bị hại, đương sự) nộp đơn bày tỏ quan điểm không đồng ý với bản án mà tòa án đã xét xử. Hay nói cách khác là nộp đơn chống lại bản án của tòa án.
Về mặt ngữ nghĩa trong Tiếng Việt thì: Kháng – là chống lại; Cáo – là cáo buộc, cáo trạng. Như vậy kháng cáo chỉ mang nghĩa là chống lại cáo buộc của kiểm sát viên, công tố viên. Việc chống lại này đã diễn ra ngay tại phiên tòa thông qua phần hỏi và tranh luận giữa các bên, trong vụ án hình sự.
Còn đối với vụ án dân sự, vụ án hành chính thì không có cáo trạng, không có bị cáo. Vì tư cách tham gia phiên tòa là người khởi kiện và người bị kiện cùng các người liên quan khác. Do đó khi bản án được tuyên ra, nếu không đồng ý với bản án thì đương sự sẽ làm đơn thể hiện sự phản đối lên tòa cấp trên. Vì vậy việc dùng từ kháng cáo để thể hiện việc không đồng ý với bản án của tòa sơ thẩm là không chuẩn xác.  Để phân tích rõ việc nên dùng thuật ngữ “kháng cáo” hay “kháng án”, chúng tôi xin phân tích từng loại vụ án để làm rõ vấn đề như sau:
Trường hợp thứ nhất:
Trong vụ án hình sự có phần kiểm sát viên công bố cáo trạng và người phạm tội bị gọi là bị cáo. Tại phiên tòa lúc này diễn ra sự hỏi đáp, tranh luận giữa một bên là kiểm sát viên giữ quyền công tố, buộc tội (có thể có bị hại tùy từng vụ án) với một bên là bị cáo và luật sư của bị cáo. Về bản chất lúc này là bị cáo và luật sư của bị cáo đang chống lại sự buộc tội của kiểm sát viên thông qua cáo trạng và các hoạt động của kiểm sát viên tại phiên tòa. 
Đến khi hội đồng xét xử kết thúc phiên tòa và ra bản án thì lúc này, nếu bị cáo, bị hại hoặc người liên quan không đồng ý với bản án đó thì (tôi tạm gọi là) làm đơn trình bày ý kiến phản đối bản án gửi lên cấp trên. Như vậy đơn này thể hiện là không đồng ý với bản án, phản đối bản án thì phải gọi là đơn kháng án mới đúng với bản chất của hành động này. Bởi lẽ, xét cho cùng thì việc nộp đơn phản đối bản án là mong được tòa cấp trên xét xử lại để sửa án hoặc hủy án. Vậy thì tại sao lại gọi là kháng cáo mà không gọi đúng với bản chất là kháng án.
Trường hợp thứ hai:
Trường hợp trong vụ án dân sự hoặc hành chính: thì không có cáo trạng, không có bị cáo. Mà tư cách tham gia phiên tòa là gồm người khởi kiện, người bị kiện và những người liên quan (nếu có). Kiểm sát viên thì tham gia phiên tòa để giám sát, phát biểu ý kiến về trình tự thủ tục, các hoạt động của phiên tòa và nội dung vụ án.
Như vậy người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nếu không đồng ý với bản án do tòa án sơ thẩm xét xử thì nộp đơn thể ý kiến phản đối lên tòa cấp trên. Như đã nói ở trên, việc nộp đơn này để mong muốn sửa án, hủy án mà tòa cấp dưới đã xét xử. Do đó thực chất đây là hành động kháng án.
Từ những phân tích trên, tôi thấy rằng lâu nay chúng ta đã dùng cụm từ “kháng cáo” để nói về hành vi nộp đơn chống lại bản án trong vụ án hình sự cũng như vụ án dân sự và vụ án hành chính là chưa hoàn toàn chính xác. Để đúng với bản chất thực tiễn của hành động này thì nên dùng cụm từ “kháng án” ./.

“Bài viết thể hiện  ý kiến về pháp lý, không nhằm mục đích nào khác”
Người viết: Leo Robotly – Đồng Thanh

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.