TƯ VẤN HỖ TRỢ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Đưa thi thể người chết từ Việt Nam ra nước ngoài.

Như ở Việt Nam, khi có trường hợp người ngoại quốc tử nạn, muốn đưa họ trở về nước sở tại là điều không khó, song thủ tục phải qua khá nhiều khâu kể từ khi cái chết được thông báo cho tới khi thi thể của họ về được đến nước nhà, đặc biệt sẽ càng khó khăn hơn khi người nước ngoài lại không định cư lâu dài tại Việt Nam mà chỉ ở Việt Nam theo visa du lịch, lao động…
đưa thi hài người nước ngoài ra khỏi việt nam

Về thủ tục, khi nhận được thông báo có người nước ngoài chết tại địa phương, Phòng Lãnh sự – Việt kiều, Sở Ngoại vụ của địa phương đó cần nắm được thông tin nhân thân của người đó. Tiếp đó, Phòng Lãnh sự – Việt kiều của địa phương sẽ cùng công an tỉnh/thành phố tiến hành lập biên bản hiện trường và kiểm kê tài sản.
Tài sản cá nhân bao gồm cả hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của người nước ngoài đã chết sẽ được niêm phong. Khi trao lại cho cơ quan đại diện nước ngoài hoặc thân nhân của họ sẽ có Biên bản bàn giao đầy đủ, và phải có chữ ký của Đại diện Công an thành phố và Sở Ngoại vụ.

Đối với thi thể của người nước ngoài chết tại Việt Nam, Công an tỉnh/TP phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương lập biên bản ghi rõ về nguyên nhân chết (nếu đã xác định được) và có chữ ký của người làm chứng cùng cơ quan chẩn đoán, giám định. 

Tiếp đó, thân nhân hoặc cơ quan đại diện của nước có công dân chết sẽ được hướng dẫn đưa thi hài vào bảo quản tại nhà lạnh của bệnh viện.

Nếu thân nhân hoặc cơ quan đại diện nước ngoài có nguyện vọng đưa thi thể người bị chết về nước, cán bộ phụ trách hướng dẫn họ liên hệ với cơ sở y tế của thành phố để tiến hành thủ tục ướp xác và đưa vào quan tài kẽm, niêm phong, kiểm dịch y tế để chuyển về nước và chịu mọi loại chi phí phát sinh sau đó, thường là rất cao.

Theo thông tin trên trang điện tử Tổng Lãnh sự quán Mỹ của TP.HCM thì trong trường hợp quyết định chuyển thi hài người quốc tịch Mỹ về nước để chôn cất, chi phí cho việc ướp xác và vận chuyển bằng đường hàng không sẽ vào khoảng từ 12.000 – 18.000 USD (tương đương 260 triệu – 400 triệu đồng) hoặc nhiều hơn, tùy thuộc vào giá vé máy bay và dịch vụ của công ty mai táng. Còn chi phí cho việc chôn cất, thiêu và chuyển tro cốt về Mỹ cũng phải vào khoảng 3.500 – 8.000 USD (tương đương 80 triệu – 180 triệu đồng).

Tuy nhiên để tiến hành việc này, trước hết cần phải hoàn thành hai thủ tục là giấy báo tử và giấy chứng tử cho người nước ngoài chết tại Việt Nam.

Khi cấp giấy báo tử, nếu người nước ngoài chết vì tai nạn giao thông thì Phòng Cảnh sát giao thông thành phố cấp giấy chứng nhận chết do tai nạn giao thông; nếu do đột tử tại địa phương thì công an xã, phường cấp giấy báo tử; còn nều chết tại bệnh viện thì bệnh viện cấp giấy báo tử.

Trường hợp người nước ngoài đó chết không rõ nguyên nhân, để có cơ sở cấp giấy báo tử và chứng tử, các cơ quan chức năng phải tiến hành mổ tử thi. Việc mổ tử thi phải có ý kiến đồng ý của cơ quan đại diện của nước có công dân chết hoặc thân nhân của người đó.

Trên cơ sở Giấy báo tử của cơ quan y tế hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra việc chết, thủ tục cấp giấy chứng tử được thực hiện tại Sở Tư pháp tỉnh/thành phố.

Sau đó sẽ tiến hành khâm liệm thi hài, với sự tham gia chứng kiến của tất cả các bên. Sau khi nhập quan thì hàn kín quan tài và đại diện Hải quan sẽ niêm phong quan tài.

Cơ quan đại diện ngoại giao /cơ quan lãnh sự nước người chết mang quốc tịch sẽ gửi công hàm gửi Sở Ngoại vụ tỉnh/thành phố đề nghị làm các thủ tục để được chôn cất tại Việt Nam, hoặc đem tro về nước, hoặc mang xác về nước.

Trong trường hợp muốn đưa thi hài người nước ngoài chết tại Việt Nam về nước, lúc này cần phải làm tiếp thủ tục xuất cảnh cho thi hài người chết.

Để làm thủ tục xuất cảnh cho người chết, cần phải có giấy chứng nhận kiểm dịch y tế thi hài, tro cốt, hài cốt xuất cảnh để đảm bảo thi hài của người chết không mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch. Việc kiểm tra y tế để được cấp giấy chứng nhận được xuất cảnh đối với thi thể là 20 USD, với hài cốt 7 USD và với tro cốt 5 USD.

Sau đó thi hài của người chết sẽ được làm thủ tục hải quan để xuất cảnh.

Hài cốt ở dạng thi thể người thì chỉ được phép vận chuyển dưới dạng hàng hóa theo quy định vận chuyển hàng hóa, được đóng quan tài hàn kín. Còn hài cốt dưới dạng xương và dạng tro có thể được vận chuyển theo dạng hành lý với điều kiện đáp ứng đủ điều kiện của hãng hàng không, đặc biệt phải được hàn kín và chịu được va đập. Điều kiện và chi phí vận chuyển thi thể của người chết cũng sẽ phức tạp hơn, đắt đỏ hơn tùy thuộc vào từng hãng hàng không khác nhau.
đưa thi thể người nước ngoài về nước họ

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự;

- Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 có hiệu lực ngày 01/01/2017;

- Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 ngày 20/11/2014;

- Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 về quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;

- Công văn số 4968/BNG-LS ngày 07/12/2017 của Bộ Ngoại giao về việc ủy quyền cho cơ quan ngoại vụ địa phương trao đổi trực tiếp với cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam;

- Công văn số 0595/CV-LS-QHLS ngày 02/4/2007 của Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao;

II. CÁC BƯỚC XỬ LÝ

1. Sở Ngoại vụ nhận được văn bản thông báo của Công an tỉnh về trường hợp người chết; kiểm tra hồ sơ và dự thảo văn bản của Sở thông báo về cái chết đến Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, đồng báo cáo UBND tỉnh.

2. Khi nhận được thông tin, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh thông báo vụ việc cho cơ quan đại diện ngoại giao/cơ quan lãnh sự của quốc gia người tử vong mang quốc tịch.

3. Cơ quan đại diện ngoại giao/ cơ quan lãnh sự có công hàm đề nghị làm các thủ tục đăng ký khai tử tại Việt Nam.

4. Thân nhân gia đình hoặc đại diện của Cơ quan đại diện ngoại giao/ cơ quan lãnh sự thực hiện các thủ tục đề nghị xuất cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt.

5. Trên cơ sở đó, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cùng phối hợp giải quyết.

III. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHAI TỬ

- Trên cơ sở Giấy báo tử của cơ quan y tế hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra việc chết, thân nhân gia đình hoặc đại diện của Cơ quan chủ quản đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, thị xã nơi cư trú của người chết để đăng ký và xin cấp Giấy chứng tử theo quy định tại Điều 51, Mục 7, Chương III của Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 ngày 20/11/2014 về đăng ký khai tử.

- Nếu Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác có liên quan cần sử dụng ở nước ngoài, hướng dẫn cho thân nhân, cơ quan chủ quản của người bị nạn đến Phòng Công chứng Nhà nước để dịch ra tiếng nước ngoài thông dụng, sau đó đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh) để làm thủ tục hợp pháp hóa-chứng nhận lãnh sự (trừ những nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta có quy định được miễn thủ tục này).

1. Thủ tục và hồ sơ:     

- Người đi đăng ký khai tử phải nộp đơn/công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự, giấy báo tử và xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam của người đã chết.

b) Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế của người đi khai tử.

- Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự quán (cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự) có công dân/người mang hộ chiếu nước họ có công hàm gửi Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, đồng gửi các Sở Ngoại vụ địa phương đề nghị hỗ trợ thủ tục đăng ký khai tử.

2. Thẩm quyền giải quyết:

- Công an tỉnh, Sở Y tế phối hợp làm thủ tục xác định nguyên nhân tử vong.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, thị xã nơi cư trú của người chết cấp giấy chứng tử.

- Trường hợp người nước ngoài chết không rõ nguyên nhân, để có cơ sở cấp giấy báo tử và chứng tử, các cơ quan chức năng phải tiến hành mổ tử thi. Việc mổ tử thi phải có ý kiến đồng ý của cơ quan đại diện của nước có công dân chết hoặc thân nhân của người đó.

- Trên cơ sở giấy báo tử của cơ quan y tế hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra việc chết, thủ tục cấp giấy chứng tử được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, thị xã.

IV. THỦ TỤC XUẤT CẢNH THI HÀI, HÀI CỐT, TRO CỐT

Sau khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký khai tử, người thân hoặc cơ quan đại diện của nước có công dân chết thực hiện các công việc sau để đem thi hài hoặc tro cốt về nước mai táng.

- Đưa thi hài vào bảo quản tại nhà lạnh của bệnh viện đối với trường hợp đem thi hài về nước hoặc hỏa thiêu nếu đưa tro cốt về nước

- Liên hệ với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM - thuộc Sở Y tế TP.HCM (địa chỉ 40, Nguyễn Văn Trỗi, Phường 15, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại: 08.3844.5306) để tiến hành thủ tục ướp xác và đưa vào quan tài kẽm, niêm phong, kiểm dịch y tế để chuyển ra nước ngoài.

Lưu ý:

- Để làm thủ tục xuất cảnh cho người chết, cần phải có giấy chứng nhận kiểm dịch y tế thi hài, tro cốt, hài cốt xuất cảnh để đảm bảo thi hài của người chết không mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch. Sau đó thi hài của người chết sẽ được làm thủ tục hải quan để xuất cảnh.

- Hài cốt ở dạng thi thể người thì chỉ được phép vận chuyển dưới dạng hàng hóa theo quy định vận chuyển hàng hóa, được đóng quan tài hàn kín. Còn hài cốt dưới dạng xương và dạng tro có thể được vận chuyển theo dạng hành lý với điều kiện đáp ứng đủ điều kiện của hãng hàng không, đặc biệt phải được hàn kín và chịu được va đập. Điều kiện và chi phí vận chuyển thi thể của người chết cũng sẽ tùy thuộc vào yêu cầu của từng hãng hàng không khác nhau.

Nguồn: Tổng hợp 



Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.