TƯ VẤN HỖ TRỢ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Một số điểm mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp 2014

Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 được Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 sẽ thay thế cho Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp số 37/2013/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2013.
luật doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 
So với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có 10Chương,  213 Điều, tăng 41 Điều. Trong đó Chương IV quy định về Doanh nghiệp nhà nước với 22 Điều và Điều 10 quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội là những nội dung mới hoàn toàn.

          Luật Doanh nghiệp năm 2014 vừa tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định còn phù hợp đã và đang đi vào cuộc sống của Luật Doanh nghiệp năm 2005, nhưng đồng thời đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của Luậtcũ, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có một số đổi mới cơ bản, cụ thể như sau:
1. Tách riêng thủ tục thành lập doanh nghiệp với thủ tục về đầu tư dự án theo Luật Đầu tư
Cùng với Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã chính thức bãi bỏ nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệpTheo đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau đó sẽ thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.  Luật Doanh nghiệp 2014 đã tách riêng thủ tục thành lập doanh nghiệp với các thủ tục về đầu tư dự án. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là hình thức để Nhà nước ghi nhận sự hình thành và việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa phát sinh, do vậy Luật đã tách biệt rõ giữa thủ tục thành lập doanh nghiệp với thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư và việc đảm bảo các điều kiện kinh doanh trong quá trình đi vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho các loại hình doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh); đăng ký thay đổi  nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn từ 05 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 và Khoản 3 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2014:Thời hạn để Cơ quan Đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới; đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Như vậy, so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì thời hạn xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giảm 02 ngày làm việc.
3. Về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc bản điện tử. Theo quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ còn 4 nội dung chính: tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; thông tin chi tiết nhân thân của cá nhân là người đại diện theo pháp luật, chủ DNTN, thành viên hợp danh, thành viên công ty và thông tin của thành viên tổ chức; vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Như vậy, trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ không có nội dung ngành, nghề kinh doanh kinh doanh và danh sách cổ đông sáng lập (đối với Công ty cổ phần).  Điều này dẫn đến việc khi thay đổi ngành, nghề kinh doanh; thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chỉ phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để được bổ sung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà không phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới như hiện nay (Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2014) Như vậy, mỗi khi Doanh nghiệp thay đổi, bổ sung nhành nghề kinh doanh; thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, sẽ không mất thời gian và thủ tục để chờ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Điều quan trọng hơn cả là việc bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy CNĐKDN; bỏ việc xác định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề ... Điều này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp, làm cho doanh nghiệp trở thành công cụ kinh doanh thực sự an toàn, đa công năng và rẻ hơn...
Theo quy định tại Điều 33 Luật Doanh nghiệp: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải công bố công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây là điểm mới trong lần sửa đổi này. Bởi theo quy định hiện nay, doanh nghiệp được lựa chọn phương thức công bố như đăng trên mạng thông tin doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc một trong các loại tờ báo viết hoặc báo điện tử trong 3 số liên tiếp.
4. Về Phiếu lý lịch tư pháp trong Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 quy định: trong một số trường hợp, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, Cơ quan Đăng ký kinh doanh có thể yêu cầu người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Đây là quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tuy nhiên, về cơ bản phiếu lý lịch tư pháp không phải là tài liệu bắt buộc trong Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp bởi nếu bắt buộc sẽ làm tăng thêm thời gian thành lập doanh nghiệp tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ rất lớn cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, sẽ có tác động không thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta.
5. Về vấn đề người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014: Công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Như vậy, so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định Công ty hoàn toàn có thể tự quyết định, chỉ định một người đại diện theo pháp luật hoặc trong trường hợp cần thiết thì có quyền tự chủ quyết định việc có nhiều người đại diện theo pháp luật, số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định tại Điều lệ Công ty.
Ngoài ra theo quy định tại Khoản 7 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tóa án.
6. Về con dấu của doanh nghiệp: Theo quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014: Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu doanh nghiệp. Và trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, đây là cách tiếp cận mới hoàn toàn về con dấu doanh nghiệp, dù chưa thể bỏ hoàn toàn việc sử dụng con dấu nhưng đã có bước cải cách lớn Trước đây việc cấp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp do Bộ Công an quy định thì nay theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Thay vì phải đăng ký với cơ quan Công an như hiện nay, Doanh nghiệp chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Quy định này giúp doanh nghiệp đỡ phiền hà, tốn kém về chi phí, thời gian. Theo xu hướng phát triển phương thức giao dịch điện tử, thì việc dùng con dấu sẽ không còn ý nghĩa nữa. Vì vậy, việc cải cách về con dấu là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới. Hiện nay, con dấu doanh nghiệp còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định về giao dịch trong một số bộ luật, nếu bỏ hoàn toàn sẽ phát sinh số lượng công việc rất lớn và có thể chưa đảm bảo chặt chẽ trong quản lý.
7. Về vốn điều lệ và thời hạn góp vốn của công ty: Luật Doanh nghiệp năm 2014quy định các nguyên tắc để xác định, đăng ký vốn thực góp của công ty, giải quyết tình trạng vốn không có thực (ảo) nhưng không thể xử lý được như hiện nay. Trong đó điểm mới nhất là cho phép Công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần được giảm vốn điều lệ.
Theo đó, Công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên nếu không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì được quyền đăng ký điều chỉnh giảm vốn bằng giá trị số vốn thực góp. Trong trường hợp này, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ vốn điều lệ đã đăng ký góp, số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị phần vốn góp, mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn cam kết góp.
 Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp cũng có thể điều chỉnh giảm vốn bằng cách hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của Công ty theo các điều kiện quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.
          Luật Doanh nghiệp năm 2014 áp dụng thống nhất thời hạn phải thanh toán đủ phần vốn góp khi thành lập công ty, quy định rút ngắn thời hạn góp vốn đối với chủ sở hữu, thành viên công ty TNHH phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong khi quy định hiện hành về thời hạn góp vốn tối đa đối với Công ty TNHH một thành viên và hai thành viên trở lên là 36 tháng.
8. Về điều kiện tiến hành họp và thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông công ty:
Chính thức thay đổi theo đúng thông lệ quốc tế khi giảm tỷ lệ dự họp từ 65% (Luật Doanh nghiệp năm 2005) xuống còn 51%. Và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông  được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp tán thành (Luật Doanh nghiệp năm 2005 là 65%; trường họp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản là ít nhất 75%).
  Luật quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập, không tham gia điều hành trực tiếp doanh nghiệp; Bãi bỏ việc Đại hội đồng cổ đông bầu trực tiếp Chủ tịch hội đồng quản trị.
          9. Về doanh nghiệp xã hội: Đây là một khái niệm mới được luật hóa quy định cụ thể tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Doanh nghiệp xã hội không phải là một loại hình doanh nghiệp mà cũng giống như doanh nghiệp thông thường khác được  tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp nhất định như: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…, chỉ phân biệt ở mục tiêu hoạt động và mục đích việc sử dụng  lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này, mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.  Ngoài các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp xã hội còn có một số quyền và nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp .

10. Doanh nghiệp Nhà nước quy định tại Chương IV Luật Doanh nghiệp 2014. Đây là chương mới hoàn toàn so với Luật Doanh nghiệp năm 2005: Khái niệm Doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có sự thay đổi so với trước đây: thay vì quy định Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.  Trong Chương này cũng nêu rõ hơn địa vị pháp lý tập đoàn kinh tế, bổ sung quy định rõ hơn về hình thức công ty mẹ - công ty con; cấm các công ty con trong cùng một nhóm công ty cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau; bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa cơ cấu và mối quan hệ giữa các công ty trong tập đoàn kinh tế, như công khai điều lệ hoặc thỏa thuận về quy chế hoạt động chung tập đoàn….
11. Về tổ chức lại, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
- Luật Doanh nghiệp năm 2014 không yêu cầu các công ty cùng loại mới được hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đồng thời quy định rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như trình tự thủ tục, hồ sơ thực hiện các loại thủ tục này. Luật Doanh nghiệp năm 2005 chỉ cho phép  các công  ty cùng loại hình mới được hợp nhất hay sáp nhập. Đây là điểm đổi mới hết sức quan trọng, điều này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường mua bán doanh nghiệp (M&A) trong thời gian tới.
- Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định 5 trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp so với 8 trường hợp bị thu hồi quy định tại Khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2005. Đồng thời Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng có các quy định nhằm giúp doanh nghiệp rút khỏi thị trường thuận lợi hơn, nhanh hơn và rẻ hơn bằng các quy định: giải thể tự động. Theo đó, trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải thể theo quy định mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
12. Một số nội dung khác:
- Luật Doanh nghiệp năm 2014 có những quy định mang tính định hướng, gợi mở về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, trao cho doanh nghiệp tự do, tự nguyện, cam kết, thoả thuận theo các quy định của Pháp luật: cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; cho phép công ty cổ phần có thể chọn một trong hai mô hình tổ chức, quản lý; cho phép lựa chọn cách bầu dồn phiếu hay không bầu dồn phiếu khi bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty cổ phần...
Luật Doanh nghiệp năm 2014 bỏ Chương quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, thay bằng một vài điều khoản tại Chương tổ chức thực hiện, theo đó các cơ quan nhà nước quản lý doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn đã được pháp luật chuyên ngành quy định, không phải và không cần thiết ghi điều đó vào Luật Doanh nghiệp.
          - Việc quy định biên bản cuộc họp có thể được ghi bằng bản giấy và có thể có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác đã có bước tiến bộ vượt bậc so với quy định cũ là chỉ ghi vào sổ biên bản. Luật cũng thống nhất cách hiểu về nhiều điểm mà từ trước tới nay gây nhiều tranh cãi như việc chốt lại địa điểm họp được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp, mọi người không nhất thiết phải cùng ngồi họp một chỗ.
          - Luật hóa việc dùng mã số thuế làm mã số doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH, tăng cường việc bảo vệ cổ đông nhỏ (cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện ...).  Bãi bỏ nhiều điều khoản đã được chứng minh là hiệu quả thực thi rất thấp, như việc đăng ký danh sách cổ đông nắm giữ 5% vốn điều lệ công ty cổ phần, hoặc bãi bỏ việc gây cản trở cho hoạt động của Doanh nghiệp như cấm một người đã làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty cổ phần không được làm Giám đốc (Tổng Giám đốc Công ty khác.
           Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Quốc hội thông qua là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới rất trọng yếu liên quan đến doanh nghiệp, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đại đa số doanh nghiệp. Để các quy định đổi mới của Luật sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, doanh nghiệp đang khẩn trương phối hợp triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện, góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững. 

Nguồn:http://sokhdt.baria-vungtau.gov.vn/News/1226/mot-so-diem-doi-moi-co-ban-cua-luat-doanh-nghiep-2014.html

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.